Mô hình “Trường học nông trại”: Gieo mầm kiến thức, vun đắp kỹ năng sống
2025-05-19 15:37:00.0
Mô hình “Trường học nông trại” của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng không chỉ là một sáng kiến giáo dục mang tính đột phá mà còn là minh chứng cho tinh thần đổi mới, gắn lý thuyết với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Mô hình này không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn cho học sinh mà còn tạo môi trường học tập thực tế, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, phát triển nhân cách và thắt chặt tình cảm giữa thầy trò, bạn bè, gia đình.
Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng chăm sóc rau Mô hình “Trường học nông trại”
Văn Lăng là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn của huyện Đồng Hỷ, đời sống kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với điều kiện sản xuất còn hạn chế. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng cho biết: Năm học 2024 – 2025, Trường có 271 học sinh, trong đó 118 em thuộc diện nội trú, được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116/2016 của Chính phủ, hơn 90% học sinh của trường là con em các dân tộc thiểu số. Ban Giám hiệu nhà trường đã trăn trở tìm kiếm giải pháp giáo dục phù hợp, vừa giúp các em tiếp thu kiến thức, vừa tạo điều kiện để các em phát triển kỹ năng sống và cảm nhận sự ấm áp của tình thầy trò, bạn bè. Và Mô hình “Trường học nông trại” ra đời như một lời giải cho bài toán ấy. Không chỉ đơn thuần là một khu vườn hay chuồng trại, mô hình này mang ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng một môi trường học tập thân thiện, gần gũi, nơi các em có thể học đi đôi với hành, hiểu được giá trị của lao động và trân trọng những thành quả mình làm ra.
Để có được một “nông trại trường em” xanh tốt, nhà trường đã huy động sự vào cuộc của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh. Trong đó, Hội phụ huynh học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ làm đất, dựng chuồng trại và đóng góp một phần cây giống, con giống. Chính quyền địa phương cũng đồng hành, tạo điều kiện để mô hình được triển khai thuận lợi. Các giáo viên, dù chưa có nhiều kinh nghiệm nông nghiệp, đã không ngừng học hỏi, tìm tòi để hướng dẫn học sinh. Đặc biệt, sự đồng lòng của các em học sinh, dù còn nhỏ tuổi, đã trở thành động lực lớn để mô hình sớm đi vào hoạt động.
Nhà trường đã phân công cụ thể cho các lớp khối 4 và 5 tham gia chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Các em được hướng dẫn từ những kỹ năng cơ bản như làm đất, gieo hạt, tưới cây, đến cách chăm sóc gà, chim bồ câu. Những công việc này không chỉ phù hợp với sức khỏe và độ tuổi của học sinh mà còn mang lại niềm vui, giúp các em cảm nhận được ý nghĩa của việc lao động.
Song song với hoạt động thực tế, nhà trường đã khéo léo lồng ghép mô hình nông trại vào chương trình giảng dạy. Các giáo viên rà soát nội dung chương trình để xây dựng những tiết học trải nghiệm thực tế, nơi các em có thể áp dụng kiến thức từ sách vở vào việc trồng trọt, chăn nuôi. Những bài học về môn Khoa học, Tự nhiên và Xã hội trở nên sinh động hơn khi các em được tự tay gieo hạt, quan sát cây lớn lên, hay tìm hiểu về vòng đời của vật nuôi. Phương pháp “học đi đôi với hành” này không chỉ giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả mà còn khơi dậy sự hứng thú học tập.
Không khí tại đây trở nên sống động hơn khi sau giờ học chính khóa, các em học sinh lại cùng nhau ra vườn chăm sóc rau, tưới cây hay cho vật nuôi ăn. Nhìn các em thoăn thoắt nhổ cỏ, tưới nước, hay cẩn thận thu hoạch rau, ít ai nghĩ rằng đây là những học sinh từng rụt rè, ngại giao tiếp khi mới bước vào môi trường nội trú. Em Lê Trọng Đại, học sinh lớp 5A chia sẻ: “Từ đầu năm học, các thầy cô và các bác phụ huynh đã dạy chúng em cách làm đất, trồng rau, nhổ cỏ, tưới cây. Giờ thì bạn nào cũng thành thạo hết”.
Em Hoàng Thị Thư, cũng học sinh lớp 5A nói: “Ngoài giờ học, chúng em ra vườn chăm rau, cho gà ăn, thu hoạch trứng, mang về cho các cô nhà bếp nấu cơm. Những việc này nhẹ nhàng, vui lắm, em thấy mình làm được việc có ích!”.
Sau gần một năm triển khai, từ tháng 8/2024 đến nay, mô hình “Trường học nông trại” đã mang lại những kết quả đáng tự hào. Các em học sinh không chỉ yêu thích các hoạt động thực tế mà còn trở nên chủ động, tự tin và có trách nhiệm hơn với công việc được giao. Những em từng nhút nhát, rụt rè giờ đây đã mạnh dạn tham gia lao động, trò chuyện rôm rả với bạn bè và thầy cô. Mối quan hệ giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh cũng được thắt chặt, tạo nên một cộng đồng giáo dục đoàn kết, gắn bó. Về mặt vật chất, nông trại của trường đã cung cấp 60% nguồn thực phẩm sạch, bao gồm rau xanh, thịt và trứng, cho bếp ăn nội trú. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Quan trọng hơn, mô hình nông trại đã góp phần đổi mới phương pháp giáo dục, mang lại những tiết học sinh động, thực tế. Các em không chỉ học kiến thức từ sách vở mà còn được trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh qua những công việc lao động giản dị. Những bài học về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, và lòng trân trọng lao động đã được khắc sâu trong tâm trí các em, trở thành hành trang quý giá cho tương lai.
Đánh giá về mô hình “Trường học nông trại” của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ khẳng định: Những kết quả đạt được tại Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng cho thấy đây là một phương pháp giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn. Mô hình không chỉ giúp các em học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng sống mà còn rèn luyện ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng khuôn viên trường học sạch đẹp. Quan trọng hơn, các em biết trân trọng giá trị lao động và công sức của bản thân cũng như tập thể. Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình “Trường học nông trại” đến các trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số./.
Lê Nguyệt (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)